Henry Sy đã làm thay đổi thị trường bán lẻ Philippines và trở thành người đàn ông được ngưỡng mộ nhất đất nước này.
- Từ sở thích đi xe ôm đến ứng dụng gọi xe Go Jek của CEO Nadiem Makarim chàng công tử Indonesia
- Tiết lộ những bí mật giúp Phil Knight người sáng lập Nike thương hiệu giày lớn nhất toàn cầu
- Joe Ades chia sẽ bí quyết làm giàu của người bán dạo
Từ 2008, Henry Sy liên tiếp giữ danh hiệu người giàu nhất Philippines theo thống kê của Forbes. Ông là người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ SM Group lớn nhất Philippines. Hiện ông sở hữu khối tài sản trị giá 17,9 tỷ USD và đứng thứ 52 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Henry Sy là người truyền cảm hứng cho nhiều người muốn vươn lên trong cuộc sống. Xuất thân từ người nhập cư nghèo khổ, bước vào thương trường chỉ với cửa hàng bán giày nhỏ, Henry Sy đã làm thay đổi thị trường bán lẻ Philippines và trở thành người đàn ông được ngưỡng mộ nhất đất nước này.
Bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm
Henry Sy sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, năm 1924. 12 tuổi, Henry theo bố tới Philippines với hy vọng tìm cuộc sống tốt hơn. Bố ông mở cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Carriedo tại thủ đô Manila. Chứng kiến cảnh kiếm tiền mưu sinh mỗi ngày của bố, Henry Sy quyết tâm làm giàu.
Ông kể: “Tôi đã khóc khi chứng kiến sự vất vả của bố. Mỗi ngày, ông đều phải dậy từ sớm để đi lấy hàng, sau đó mang về bán tại cửa hàng ven đường cho tới tận tối khuya rồi ngủ luôn ở đấy. Những khó khăn và cực nhọc của ông đã cho tôi bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm và làm việc có nguyên tắc”.
Sau Thế chiến II, thủ đô Manila rơi vào tình trạng bất ổn. Gia đình Henry Sy phá sản khi cửa hàng tạp hóa bị cháy sạch. Thất vọng và buồn bã, bố Henry quyết định trở về quê hương. Đứng trước tình thế khó khăn, Henry Sy quyết định bám trụ lại Manila và mở một cửa hàng giày trên phố Marikina năm 1948.
Tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng Shoemart
Henry Sy cũng mang giày tới các nhà ga, bến xe để bán dạo. Năm 1949, với khoản tiền vay được từ Ngân hàng China Bank, Henry mở thêm cửa hàng giày mang tên Shoemart tại phố Avenida Rizal. Năm 1950, ông đăng ký học tại khoa Kinh tế của Đại học Far Eastern nhưng bỏ học sau hai năm vì không thể cân bằng giữa việc học và công việc kinh doanh riêng.
Không bằng lòng với những cửa hàng bán giày nhỏ lẻ, Henry Sy đặt tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng Shoemart trên khắp đất nước Philippines. Ngoài việc tập trung đẩy mạnh mặt hàng giày, ông phát triển thêm các cửa hàng bán quần áo nhập khẩu và mở rộng mạng lưới phân phối.
Năm 1970, Henry Sy có tổng cộng 4 cửa hiệu bán lẻ giày và quần áo thời trang. Để tạo dựng thương hiệu, Henry Sy chủ động thiết kế cửa hàng theo phong cách hiện đại.
Đồng thời, ông chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng tận tâm. Nhờ đó, thương hiệu Shoemart có được niềm tin của khách hàng và ngày càng được người tiêu dùng yêu thích tại Manila.
Năm 1972, Henry Sy thành lập doanh nghiệp bán lẻ Shoemart và chính thức mở đầu cho chiến dịch xâm chiếm thị trường bán lẻ tại các tỉnh, thành phố khác ở Philippines. Nhờ hình ảnh chuyên nghiệp và thái độ phục vụ khách hàng niềm nở, Shoemart nhanh chóng trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Philippines.
Ý tưởng táo bạo xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên
Bước vào thập niên 80, tình hình kinh tế và chính trị Philippines vẫn trong tình trạng bất ổn song mức sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể.
Nhận thấy đây là cơ hội để nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều, Henry Sy nghĩ tới việc xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên tại Philippines.
Ý tưởng táo bạo này của ông bị nhiều người cho rằng “điên rồ” vì đời sống vật chất của người dân còn nhiều hạn chế. Việc sự xuất hiện một trung tâm thương mại là chưa cần thiết ở một nền kinh tế còn nghèo.
Tuy nhiên, Henrry Sy vẫn quyết định hiện thực hóa ý tưởng và xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên mang tên SM City North EDSA năm 1983.
Trái ngược với những dự đoán ban đầu của nhiều người, ngay trong ngày khai trương, SM City North EDSA đã thu hút được một lượng khách hàng khổng lồ tới mua sắm, giải trí. SM City North EDSA nhanh chóng trở thành một hiện tượng làm thay đổi thị trường bán lẻ Philippines.
Sau thành công vang dội của trung tâm thương mại đầu tiên, Henry Sy tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều thành phố của Philippines. Ông thành lập Tập đoàn bán lẻ SM Group và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư tên tuổi như: Watsons Personal Care Stores Inc, International Toy World, Ace Hardware Philippines, Sports Central, Home World…
Là người nổi tiếng với các hoạt động từ thiện và giáo dục
Cuối thập niên 80, SM Group đã xây dựng 50 trung tâm thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố của Philippines và một số thành phố của Trung Quốc.
Không chỉ phát triển mảng bán lẻ, SM Group dưới sự điều hành của Henry Sy còn mở rộng thành tập đoàn đa ngành đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: bất động sản, ngân hàng, hàng hải, du lịch, giải trí…
Ngoài công việc kinh doanh, ông còn là người nổi tiếng với các hoạt động từ thiện và giáo dục. Cách ông giáo dục con cái cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Các con ông sau khi học xong đều tới công ty làm việc nhưng phải luôn bắt đầu từ vị trí thấp nhất là nhân viên bán hàng.
Là người giàu nhất Philippines và ở độ tuổi 93, Henry Sy vẫn chưa có ý định nghỉ hưu. Thứ bảy hàng tuần, ông vẫn “vi hành” một số siêu thị của tập đoàn để khảo sát tình hình kinh doanh và thăm hỏi nhân viên.
Xem thêm bài viết : Tỷ phú Mark Cuban: “Để có được may mắn, bạn nhất định phải chuẩn bị trước”
Sưu tầm
Trả lời