Từ một người làm thuê, trải qua nhiều gian nan, nay anh Nguyễn Văn Đoàn (46 tuổi), ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã trở thành ông chủ lớn, liên kết sản xuất với khoảng 1.000 hộ, đầu tư sản xuất khoai lang, cà rốt, củ cải trên diện tích lên tới 3.600ha, đạt doanh thu 360 tỷ đồng mỗi năm.
Nông dân thăm vườn bằng xe hơi
Chiếc xe hơi đưa chúng tôi đi thăm vườn đỗ xịch trước thửa đậu leo cho chi chít trái đang vào mùa thu hoạch, anh Nguyễn Văn Đoàn chỉ tay giới thiệu toàn bộ khu đất rộng mênh mông, đang trồng đậu leo, khoai lang, phía xa xa là củ cải… là vườn của gia đình anh.
Cách đây 20 năm, anh Đoàn từ Nghệ An vào Lâm Đồng lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng đúng nghĩa với nghề làm thuê, khó ai có thể tin được nay người đàn ông này lại sở hữu tới gần 100ha đất, khối tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, từ Nghệ An vào Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Đoàn kiếm sống bằng nghề làm thuê đầy cơ cực. Với bản tính cần cù, chịu khó làm ăn, chàng nông dân này cũng đã dành dụm được ít vốn liếng để cưới vợ. Tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới là tậu được 2 sào vườn tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.
Có đất, ngày vẫn đi làm thuê, tối tới hai vợ chồng lại tranh thủ xới đất trồng cà rốt, khoai lang. Sẵn có kinh nghiệm tích lũy được từ công việc làm thuê, vợ chồng anh Đoàn nhanh chóng gặt hái được những thành quả lao động. Có được sản phẩm, hai vợ chồng lại thuê xe chở xuống chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để tìm đầu ra.
Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt mà các chủ vựa nông sản đã nhanh chóng gật đầu và đề nghị gia đình anh Đoàn cung cấp nông sản với số lượng lớn, ổn định. Thấy cơ hội làm ăn đã mở, về nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng mở rộng diện tích củ cải, cà rốt và khoai lang, anh cam kết nhận bao tiêu đầu ra.
Công việc làm ăn ngày càng phát triển, nhiều đối tác tìm tới gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn để đặt hàng. Bao nhiêu lời lãi có được vợ chồng anh Đoàn dùng để mua đất, mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Đến nay, anh Đoàn đã có khoảng 100ha đất sản xuất. Tất cả diện tích đất của gia đình anh Đoàn đều đã được giao khoán cho các hộ.
Năm 2014, trước quy mô sản xuất ngày càng tăng mạnh, anh Nguyễn Văn Đoàn cùng một số hộ tại địa phương thành lập HTX nông nghiệp Nam Sơn, do anh Đoàn làm giám đốc.
HTX chuyên sản xuất cà rốt, khoai lang Nhật và củ cải. Đến nay, HTX Nam Sơn đã thu hút được khoảng 1.000 hộ, thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà tham gia. Năng suất cà rốt trung bình đạt 80 tấn/ha, mỗi năm làm 2 vụ, củ cải đạt 120 tấn/ha, mỗi năm làm 2 vụ. Tổng sản phẩm mỗi ngày của HTX Nam Sơn quy ra tiền đạt doanh thu lên tới 1 tỷ đồng, mỗi năm đạt 360 tỷ đồng.
Các hộ tham gia HTX Nam Sơn đều có lãi trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Với cách làm ăn hiệu quả này, những năm qua, anh Nguyễn Văn Đoàn còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo cho trên 100 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Từ chối hợp tác với thương lái
Thấy HTX Nam Sơn do anh Nguyễn Văn Đoàn làm giám đốc là nơi cung cấp cà rốt, củ cải và khoai lang lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, nhiều thương lái tới đặt vấn đề hợp tác với anh.
Điều kiện đối tác đưa ra rất đơn giản, HTX của anh Nguyễn Văn Đoàn từ nay không phải trồng cà rốt, củ cải nữa mà sẽ được các thương lái nước ngoài đưa hàng sang với giá rất rẻ. Sản phẩm sẽ được sơ chế, đóng gói tại HTX Nam Sơn rồi đưa đi tiêu thụ với mác nông sản Đà Lạt. Tuy nhiên, tất cả đều bị anh Đoàn từ chối.
“Nếu tôi hợp tác với họ, tôi chỉ ngồi một chỗ mà đếm tiền, lợi nhuận sẽ tăng gấp mấy chục lần hiện tại. Nhưng tôi mà làm thế thì dân ta chỉ có chết vì sản phẩm sẽ không có người mua!..” – anh Đoàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng xác nhận việc thương lái Trung Quốc tới gạ gẫm anh Nguyễn Văn Đoàn hợp tác nhưng bị từ chối là xác thực. Theo ông Tuấn, anh Nguyễn Văn Đoàn là người có ý thức rất cao trong việc bảo vệ giá trị nông sản của Đà Lạt – Lâm Đồng. Những người “chê tiền” như anh Nguyễn Văn Đoàn là không nhiều.
“Nghề trồng cà rốt, củ cải và khoai lang Nhật tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà phát triển được như hiện nay phải nói là có công cực kỳ lớn của anh Đoàn. Được gia đình anh cam kết, đảm bảo đầu ra nên người dân mới yên tâm sản xuất. Có thời điểm, giá cả một số loại nông sản xuất rất thấp nhưng anh Đoàn vẫn mua về, thậm chí chỉ để ủ làm phân, chấp nhận thiệt thòi để người hợp tác đảm bảo có lãi, yên tâm làm ăn với nhau lâu dài. Ba huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà chỉ cần có 5 HTX như của anh Nguyễn Văn Đoàn thì người dân chẳng còn phải lo lắng gì nữa!..” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Không chỉ giúp gia đình và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, trung bình mỗi năm anh Nguyễn Văn Đoàn đóng thuế cho Nhà nước khoảng 200 triệu đồng, xây dựng 10km đường cấp phối, ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện…Vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn còn hỗ trợ 4 tỷ đồng để xây thêm phòng học cho Trường Tiểu học Nam Sơn.
Xem thêm bài viết :Người có thâm niên 10 năm nuôi ếch Thái Lan chia sẻ bí quyết thành công
Nông nghiệp
Trả lời