Với tài sản 36,2 tỷ USD, Ma Huateng chính thức vượt qua ông chủ tập đoàn Alibaba – Jack Ma trở thành người giàu nhất tại Trung Quốc. Khối tài sản lớn này cũng giúp Chủ tịch của Tencent vượt qua Mukesh Ambani của Ấn Độ và Li Ka-shing của Hong Kong để giành danh hiệu người giàu nhất Châu Á.
Tỷ phú giàu nhất châu Á là ai?
Theo tạp chí Forbes, giá cổ phiếu của Tencent tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong tăng thêm 2.95% vào hôm qua (7/8) đã khiến tài sản của Mã Huateng tăng thêm gần 1 tỷ USD, lên khoảng 36,2 tỷ USD, trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Trong khi đó, với 35,6 tỷ USD giá trị tài sản, Jack Ma – Chủ tịch của Alibaba đã tụt xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng người giàu nhất ở Trung Quốc.

Ma Huateng, Chủ tịch công ty Internet lớn nhất châu Á – Tencent, đã trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á.
Với khối tài sản 36,2 tỷ USD, Chủ tịch của Tencent cũng đã vượt qua Mukesh Ambani của Ấn Độ và Li Ka-shing của Hong Kong để giành danh hiệu người giàu nhất Châu Á.
Sự lớn mạnh của Tencent và Alibaba có được nhờ sự bùng nổ tăng trưởng của dịch vụ trực tuyến ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới.
Trong khi ở New York, Alibaba được được biết đến là tập đoàn thương mại điện tử tiên phong của tỷ phú Jack Ma thì Tencent lại đứng đầu ở Hong Kong song ở các nước khác lại rất được ít biết.
Được biết, Tencent có một loạt các dịch vụ và sản phẩm phổ biến bao gồm thanh toán và trò chơi, cùng với nền tảng mạng xã hội WeChat.
Từ “kẻ bắt chước” thành gã khổng lồ công nghệ
Sinh năm 1971, Ma Huateng (biệt danh là Pony Ma) từng theo học ngành khoa học máy tính của đại học Thâm Quyến. Năm 1998, Huateng bỏ công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp tại công ty viễn thông Runxun Communications và dùng số tiền có được nhờ chơi chứng khoán để cùng 4 bạn học thành lập Tencent.
Cũng giống như nhiều startup công nghệ Trung Quốc, thành công của Ma Huateng bắt nguồn từ ý tưởng sao chép từ nước ngoài.
Trong một lần nghe bài thuyết trình về ICQ – dịch vụ tin nhắn trực tuyến đầu tiên trên thế giới do một công ty Israel phát triển vào năm 1996, Huateng đã cùng đồng nghiệp phát triển bản sao của ICQ cho thị trường Trung Quốc.

Thành công của Ma Huateng bắt nguồn từ ý tưởng sao chép từ nước ngoài
Đầu năm 1999, Tencent ra mắt phần mềm tương tự với giao diện tiếng Trung và đặt tên là OICQ. Khi đó, do không bán được cho các nhà mạng, Huateng quyết định cho phép người dùng Internet tải phần mềm này miễn phí.
OICQ bất ngờ lan rộng nhanh chóng. Cuối năm 1999, số lượng người dùng của phần mềm này vượt 1 triệu, trở thành một trong những phần mềm nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, do bị kiện bản quyền, cuối năm 2000, Tencent ra mắt phiên bản mới nhất của OICQ, có điều chỉnh một số tính năng và đổi tên thành QQ.
Dù QQ thu hút lượng người dùng lớn nhưng lại không mang lại lợi nhuận cho Tencent. Khi đó, dù cũng đang làm ăn với vài nhà mạng Trung Quốc nhưng doanh thu của Tencent không đủ bù chi phí cho server và băng thông ngày càng lớn do lượng người dùng QQ tăng chóng mặt.
“Chúng tôi biết sản phẩm của mình có tương lai, nhưng khi đó không có đủ tài chính để duy trì nó”, Huateng nhớ lại. Để giải quyết vấn đề này, ông đã tìm đến ngân hàng để vay nợ và thậm chí còn thảo luận với các cộng sự về việc bán công ty.
Sau nhiều nỗ lực vô ích, Huateng bắt đầu tìm tới các nhà đầu tư mạo hiểm. Năm 2000, Tencent nhận được 2,2 triệu USD từ công ty đầu tư IDC của Mỹ và hãng viễn thông Hồng Kông Pacific Century CyberWorks (PCCW) đổi lấy 40% cổ phần. Số vốn đầu tư này giúp Tencent hỗ trợ thêm nhiều người dùng và quan trọng hơn là cho Huateng thêm thời gian để tìm nguồn thu từ hàng triệu người dùng QQ.

Huateng ít khi chia sẻ chuyện đời tư với truyền thông. Tuy nhiên, ông được biết đến là một nhà từ thiện lớn
Sau thành công đầu tiên, Tencent nhanh chóng bổ sung thêm các dịch vụ gia tăng giá trị như hình ảnh, game và thử đẩy quảng cáo trực tuyến trên phần mềm QQ. Huateng cũng xây dựng hệ thống thanh toán riêng có tên QQ Coin để không phụ thuộc vào các nhà mạng.
Đến năm 2011, Tencent tiếp tục cho ra đời WeChat “lấy ý tưởng” từ ứng dụng nhắn tin Whatsapp và nhanh chóng lan rộng. Tính tới tháng 4/2017, WeChat và dịch vụ ăn theo Weixin có 938 triệu người dùng hàng tháng.
Ông hiện là người giàu thứ 18 trên thế giới, xếp ngay sau là Ambani đứng thứ 19, Jack Ma đứng thứ 20 và Li Ka-shing là vị trí thứ 21.
Khác với nhiều tỷ phú khác, Huateng ít khi chia sẻ chuyện đời tư với truyền thông. Tuy nhiên, ông được biết đến là một nhà từ thiện lớn. Năm ngoái, tỷ phú này dành 100 triệu cổ phiếu Tencent, tương đương 2,14 tỷ USD khi đó cho quỹ từ thiện mới thành lập.
Xem thêm bài viết :Frank Wang Tao – ông trùm drone trở thành tỷ phú trẻ nhất châu Á
Sưu tầm