Sau 9 năm 3 tháng ở tù, anh Thào Văn Hoan trở về quê ở bản San Thàng 2, xã San thàng, thành phố Lai Châu (Lai Châu) khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng. Bằng tất cả ý chí và nghị lực, anh nông dân người Giáy một thời lầm lỗi này đã vươn lên thành triệu phú từ nghề nuôi thả cá.
“Đệ tử ruột” của nàng tiên nâu
Từ thành phố Lai Châu, dọc theo Quốc lộ 4 D, ngược dốc về phía đèo Giang Ma (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chừng 6 km là tới bản San Thàng 2. Nhà anh Hoan ở tận cùng nơi xóm nhỏ. Đó là căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, phía trước là ao cá rộng rãi, dài cả trăm mét, cỏ voi mọc um tùm xung quanh bờ. Khi chúng tôi đến, anh Hoan đang cặm cụi xây bức tưởng trên mảnh đất nằm ở cuối vườn nhà.
Cao gần 1m 70, thân hình lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn, nhìn dáng vẻ hiện nay, ít ai nghĩ anh nông dân chất phác này từng là ‘đệ tử ruột” của nàng tiên nâu. Gạt những giọt mồ hôi lã chã trên khuôn mặt đen sạm vì nắng cháy, anh Hoan mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng đầy lạc quan xen lẫn chút hóm hỉnh: “Đi tù về, tôi thấy mình béo, khỏe hơn và cũng nghị lực hơn rất nhiều. Nếu không bị bắt, không phải ngồi tù, không biết cuộc đời tôi “dặt dẹo” đến mức nào nữa…”.
Mới nghe qua, có lẽ không ít người cho rằng anh này có vấn đề về đầu óc, ai lại đi khoe về “thành tích” đi tù của mình. Thế nhưng, ngẫm ra mới hiểu người nông dân Giáy này nói thật. Đó là 1 trong những động lực để anh Hoan làm lại cuộc đời. Bởi trước khi bị bắt, anh Hoan đã có nhiều năm liền “chìm đắm” trong làn khói thuốc phiện.
Anh Hoan kể: Năm 19 tuổi, anh cưới được cô vợ xinh đẹp ở cùng bản. Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, sinh sống hạnh phúc. Hai cậu con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Cuộc sống gia đình anh đang yên lành bỗng chốc trở nên ngột ngạt, bế tắc khi trong nhà xuất hiện thêm bộ bàn đèn hút thuốc phiện. Từ năm 1999, nghe lời bạn xấu rủ rê, lôi kéo, anh Hoan thử hút vài lần rồi nghiện thuốc phiện lúc nào không hay.
“Từ ngày nghiện ngập, tôi đâm ra lười biếng lao động mà suốt ngày “ôm” bàn đèn. Ngô, lúa trong bồ cứ vơi dần theo làn khói…Năm 2004, tôi đánh liều đi buôn ma túy. 10 triệu đồng vay ngân hàng, định đầu tư trồng nấm, tôi ôm tất vào mua hê rô in. Chưa kịp tiêu thụ, tôi bị công an bắt ngay trong lần đầu tiên này, sau đó bị tòa án xử 13 năm tù. Tôi “chơi hàng đen” nhưng lại bị bắt vì tội tàng trữ trái phép “hàng trắng – hê rô in”…” – anh Hoan nhớ lại.
Những ngày trong tù, anh Hoan luôn dằn vặt vì lỗi lầm mình gây ra. “Lúc nào trong đầu cũng nghĩ làm sao có thể sớm thoát khỏi cảnh tù tội, trở về với xã hội, tôi tích cực tham gia lao động cải tạo, chấp hành tốt những quy định của trại giam. Tôi có 9 kỳ xếp loại cải tạo tốt, được giảm án tổng cộng 3 năm 9 tháng…” – anh Hoan kể.
Nghị lực vươn lên làm giàu
Mãn hạn tù trở về với cuộc sống tự do, những ngày đầu, anh Hoan không tránh khỏi những khó khăn, mặc cảm. Sau 3 tháng nghỉ ngơi, anh bắt tay vào làm kinh tế cùng với vợ, với con. “Cũng may là sau khi ra tù, tôi được anh em họ hàng, người thân động viên giúp đỡ. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho tôi sớm hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nên ý chí làm giàu chính đáng trong tôi trỗi dậy…” – anh Hoan bảo thế.
Được vợ con ủng hộ, anh vay 20 triệu đồng rồi làm ngôi nhà tạm ngay trên đất nương của gia đình. Hai vợ chồng anh và người con út chuyển hẳn ra đó, nhường ngôi nhà mặt đường ở bản trung tâm xã San Thàng cho người con cả.
Chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nơi đồng không mông quạnh, anh Hoan đầu tư trồng ngô trên diện tích 1,4 ha mà trước đây gia đình anh khai hoang để trồng lúa. Được nhà nước hỗ trợ một phần giồng đồng thời được tham gia các lớp tập huấn, anh tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nương ngô nên năng suất ngô của gia đình luôn cao nhất nhì bản. Sau 3 mùa ngô, tích cóp được ít vốn, anh mạnh dạn thuê máy xúc múc đất đào ao, thả cá. Với diện tích mặt nước ao hàng ngàn m2, năm 2014, anh Hoan mua gần 2 vạn con giống cá rô phi đơn tính và cá trắm về thả. Hàng ngày chăm bẵm, cho cá ăn, nhìn đàn cá lớn dần, anh Hoan khấp khởi mừng thầm.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật từ xử nước đến việc cho ăn đảm bảo nên từ khi thả cá đến nay, ao cá của anh Hoan không xảy ra hiện tượng cá chết, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo anh Hoan, để cá không xảy ra dịch bệnh quan trọng nhất là phải xử lý nguồn nước. “Trước khi thả cá, tôi rắc vôi bột xử lý ao, sau khoảng 15 ngày mới đưa cá vào thả. Mỗi tháng tôi xử lý nước một lần bằng cách rắc vôi bột và thuốc tím (một loại thuốc xử lý nước đối với ao cá). Việc theo dõi, kiểm tra ao cá phải được tiến hành hàng ngày. Nếu phát hiện có cá chết thì phải xử lý luôn, tránh để xảy ra dịch…” – anh Hoan cho hay.
“Đầu năm 2016, tôi gạn ao, thu hoạch vụ cá đầu tiên, bán cho thương lái, thu gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Nuôi cá vừa nhàn, đầu ra lại ổn định, hiệu quả kinh tế cao gấp chục lần so với trồng lúa…” – anh Hoan vui vẻ nói.
Từ sau khi thu hoạch lứa cá đầu, anh Hoan thả toàn bộ cá trắm. Anh trồng cỏ voi xung quan bờ ao, dùng làm thức ăn cho cá. Cuối năm nay, anh Hoan mới thu hoạch vụ cá thứ 2.
Ngoài thả cá, trồng ngô, anh Hoan đang xây dựng trại nuôi gà thả vườn theo quy trình khép kín. “Một lần tình cờ xem chương trình khởi nghiệp trên ti vi nói về mô hình nuôi gà thả vườn khép kín, tôi rất thích. Nghĩ mô hình này hợp với địa hình, đất đai của gia đình nên tôi mầy mò tìm hiểu thêm trên mạng Internet và bắt tay vào xây dựng chuồng trại…”. – anh Hoan thông tin.
Xem thêm bài viết :Tạm gác bằng đại học về quê trồng đinh lăng
Để lại một bình luận